Dưới đây là phần soạn bài cấp độ khái quát nghĩa của từ ngữ, chương trình ngữ văn lớp 8. Bài soạn bao gồm các phần: Lý thuyết về cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ như: nghĩa của từ là gì, thế nào là cấp độ khái quát, từ nghĩa rộng, từ nghĩa hẹp và phần luyện tập.
Contents
– Nghĩa của từ là nội dung mà từ đó biểu thị. Ví dụ: Nghĩa của từ nao núng là sự lung lay, không vững lòng tin vào chính mình.
– Mỗi một từ đều có nghĩa. Chúng ta cần phải hiểu rõ nghĩa của từ để có thể diễn đạt được đúng tư tưởng, tình cảm của mình khi nói hoặc viết.
Có thể thấy nghĩa của từ ‘Hoa hồng’ khái quát hơn nghĩa của từ ‘Hoa hồng nhung’, vì nó bao hàm nghĩa của các từ ‘Hoa hồng bạch, hoa hồng nhung, hoa hồng vàng’. Tương tự vậy, nghĩa của từ ‘Hoa’ lại khái quát hơn nghĩa của từ ‘Hoa hồng’. Đây chính là cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ.
→ Định nghĩa: Cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ là sự khái quát có cấp độ từ nhỏ đến lớn giữa các từ ngữ.
Quan sát sơ đồ dưới đây và trả lời câu hỏi.
a) Nghĩa của từ động vật rộng hơn hay hẹp hơn nghĩa của các từ thú, chim, cá? Vì sao?
b) Nghĩa của từ thú rộng hơn hay hẹp hơn nghĩa của các từ voi, hươu? Nghĩa của từ chim rộng hơn hay hẹp hơn nghĩa của các từ tu hú, sáo? Nghĩa của từ cá rộng hơn hay hẹp hơn nghĩa của các từ cá rô, cá thu? Vì sao?
c) Nghĩa của các từ thú, chim, cá rộng hơn nghĩa của những từ nào, đồng thời hẹp hơn nghĩa của từ nào?
Trả lời:
a) Nghĩa của từ động vật rộng hơn nghĩa của các từ thú, chim, cá. Vì phạm vi nghĩa của từ động vật bao hàm phạm vi nghĩa của các từ thú, chim, cá.
b) Nghĩa của từ thú rộng hơn nghĩa của các từ voi, hươu. Vì phạm vi nghĩa của từ thú bao hàm phạm vi nghĩa của các từ voi, hươu.
Nghĩa của từ chim rộng hơn nghĩa của các từ tu hú, sáo. Vì phạm vi nghĩa của từ chim bao hàm phạm vi nghĩa của các từ tu thú, sáo.
Nghĩa của từ cá rộng hơn nghĩa của các từ cá rô, cá thu. Vì phạm vi nghĩa của từ cá bao hàm phạm vi nghĩa của các từ cá rô, cá thu.
a) y phục, quần, áo, quần đùi, quần dài, áo dài, áo sơ mi.
b) vũ khí, súng, bom, súng trường, đại bác, bom ba càng, bom bi.
Trả lời:
a) Trong nhóm từ ngữ trên, y phục có phạm vi nghĩa rộng hơn quần, áo. Quần lại có phạm vi nghĩa rộng hơn quần đùi, quần dài; Áo lại có phạm vi nghĩa rộng hơn áo dài, sơ mi. Do đó:
Cấp độ 1: y phục
Cấp độ 2: quần, áo
Cấp độ 3: quần đùi, quần dài; áo dài, sơ mi
b) Trong nhóm từ ngữ trên, vũ khí có phạm vi nghĩa rộng hơn súng, bom. Súng lại có phạm vi nghĩa rộng hơn súng trường, đại bác; Bom lại có phạm vi nghĩa rộng hơn bom ba càng, bom bi. Do đó:
Cấp độ 1: vũ khí
Cấp độ 2: súng, bom
Cấp độ 3: súng trường, đại bác; bom ba càng, bom bi
a) xăng, dầu hỏa, (khí) ga, ma dút, củi, than.
b) hội họa, âm nhạc, văn học, điêu khắc.
c) canh, nem, rau xào, thịt luộc, tôm rang, cá rán.
d) liếc, ngắm, nhòm, ngó.
e) đấm, đá, thụi, bịch, tát.
Trả lời:
a) Chất đốt: xăng, dầu hỏa, (khí) ga, ma dút, củi, than.
b) Nghệ thuật: hội họa, âm nhạc, văn học, điêu khắc.
c) Thức ăn: canh, nem, rau xào, thịt luộc, tôm rang, cá rán.
d) Nhìn: liếc, ngắm, nhòm, ngó.
e) Đánh: đấm, đá, thụi, bịch, tát.
a) xe cộ
b) kim loại
c) hoa quả
d) (người) họ hàng
e) mang
Trả lời:
a) Xe cộ: xe máy, ô tô, xe đạp, xích lô, xe ba gác,…
b) Kim loại: nhôm, đồng, sắt, chì,…
c) Hoa quả: vải thiều, lê, nhãn, dưa hấu,…
d) (Người) Họ hàng: cô, dì, chú, bác,…
e) Mang: gánh, vác, khiêng, xách,…
a) thuốc chữa bệnh: át-xpi-rin, ăm-pi-xi-lin, pê-ni-xi-lin, thuốc giun, thuốc lào.
b) giáo viên: thầy giáo, cô giáo, thủ quỹ.
c) bút: bút bi, bút máy, bút chì, bút điện, bút lông.
d) hoa: hoa hồng, hoa lay-ơn, hoa tai, hoa thược dược.
Trả lời:
a) thuốc lào: đây là một chất gây nghiện, có hại cho sức khỏe; không phải là thuốc chữa bệnh.
b) thủ quỹ: là một người có nhiệm vụ giữ tiền, không thuộc phạm vi nghĩa của từ giáo viên.
c) bút điện: đây là loại bút dùng để thử điện, không phải bút viết nên không thuộc phạm vi nghĩa của từ bút.
d) hoa tai: hay bông tai, là đồ trang sức của phái đẹp; không thuộc phạm vi nghĩa của từ hoa (thực vật)
Xe chạy chầm chậm… Mẹ tôi cầm nón vẫy tôi, vài giây sau, tôi đuổi kịp. Tôi thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, và khi trèo lên xe, tôi ríu cả chân lại. Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi hỏi, thì tôi òa lên khóc rồi cứ thế nức nở. Mẹ tôi cũng sùi sụt theo […].
(Nguyên hồng, Những ngày thơ ấu)
Trả lời:
Ba động từ cùng thuộc một phạm vi nghĩa trong đoạn văn là: Khóc, nức nở, sùi sụt.
Trong đó: khóc có nghĩa rộng hơn; sùi sụt, nức nở có nghĩa hẹp hơn và biểu lộ cảm xúc chân thật hơn.
Là một cử nhân tài chính nhưng lại đam mê viết lách, năm 2019 tôi thành lập website VerbaLearn để phân tích các kiến thức về tài chính, marketing và các phương pháp kiếm tiền online. Mong những kinh nghiệm từ bản thân tôi sẽ giúp đỡ bạn trên hành trình tự do tài chính.